[Review sách] Tay cự phách - Master of the game
- Khanh Thu
- Nov 8, 2020
- 3 min read
Updated: Jan 18, 2022
Master of the game (Người đàn bà quỷ quyệt, Tay cự phách) hay nghệ thuật thao túng người thân

Tổng quan
Sidney Sheldon là một tác giả quá nổi tiếng với dòng truyện trinh thám với khá nhiều tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam. Mặc dù đa số các tác phẩm của ông không phải truyện để đọc nhiều lần nhưng phải thú nhận là truyện đọc rất hấp dẫn và gây ấn tượng mạnh.
Tựa dịch ra tiếng Việt hơi chủ quan vì từ quỷ quyệt mang nghĩa xấu về nhân vật nữ chính - Kate Mc Gregor, mình nghĩ quyền phán xét nên nằm về phía người đọc. (Cũng có thể để ý là Sidney Sheldon viết rất nhiều tác phẩm với nhân vật chính là nữ).
Thao túng con ruột
Không thể phủ nhận Kate Mc Gregor là một người tài giỏi và đạt được nhiều điều mình MUỐN trong đời, điều này lý giải được tựa sách là Master of the game. Ở đây, mình muốn đi sâu vào một điều mà Kate không đạt được, đó là cuộc sống của chính người con trai duy nhất của mình – Tony. Tony là một người có khuynh hướng nghệ thuật, điều mà Kate hoàn toàn không thích thú gì vì bà muốn con trai sẽ kế nghiệp mình để quản lý công ty của gia đình. Một mặt Kate vẫn trả tiền để con có thể đi học tại một trường nghệ thuật nổi tiếng ở Paris, mặt khác bà lại mua chuộc một nhà phê bình nổi tiếng để ông phủ nhận khuynh hướng và tài năng của Tony. Một cách thao túng con cái của người có tiền và hiệu quả đạt được rất lớn vì không hề làm ảnh hưởng đến tình cảm mẹ con và Tony đã từ bỏ con đường nghệ thuật vì anh TIN là mình không có năng lực. Bà tiếp tục thao túng Tony trong vấn đề hôn nhân và con cái của anh, dẫn đến cái kết thật thảm khốc khi Tony phát hiện ra sự thật, anh bắn bà (may mắn không chết vì là nhân vật chính) rồi sau đó phải vào viện tâm thần sống đến hết đời. Có thể nói chính Kate đã giết chết con trai mình.
Nhận xét
Rất nhiều bố mẹ bằng cách này hay khác, thao túng con cái mình vì CHO RẰNG (assume) mình đang hành động vì LỢI ÍCH TỐT NHẤT của đứa con. Điều này phổ biến khi con cái còn nhỏ (<18 tuổi) và phổ biến hơn ở phụ huynh châu Á, khi con cái phụ thuộc tài chính vào bố mẹ nhiều hơn. Việc không được rèn luyện về tư duy phản biện và thừa nhận tính đúng đắn của xã hội cấp bậc từ đạo Khổng (già hơn = nhiều kinh nghiệm = giỏi hơn = đúng hơn) giúp cho phụ huynh làm việc này được dễ dàng hơn nữa đối với con cái mình. Nhưng đồng thời đây cũng là con dao hai lưỡi vì vấn đề có thể xảy ra ở hai khía cạnh. Một là việc nhập nhằng giữa lợi ích của con mình và của chính bản thân mình. Hai là “lợi ích tốt nhất’’ theo đánh giá của bố mẹ là không đúng.
Cá nhân mình luôn nghĩ rằng
Đối với một người trưởng thành (khi bạn tự đánh giá mình là người trưởng thành), ý kiến của bố mẹ RẤT NÊN để tham khảo, không nên để tuân theo. Và bạn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, vì đơn giản là đến một lúc nào đó, bạn chính là những người GIÀ HƠN đó.
Commenti