Tại sao Trương Vô Kỵ được yêu?
- Khanh Thu
- Apr 16, 2021
- 3 min read
Updated: Jan 20, 2022
Có hai nhân vật trong Kim Dung đều có bố mẹ bị sát hại từ nhỏ, bươn chải giang hồ, võ công trác tuyệt nhưng kết thúc lại hoàn toàn khác nhau, đó là Trương Vô Kỵ và Tiêu Phong. Lý do ở đâu?
Xuất thân
Tiêu Phong là một trong những nhân vật được rất nhiều người yêu thích, bên cạnh nỗ lực vươn lên nhờ chính bản thân mình (không phải ngẫu nhiên nhặt được bí kíp như nhiều nhân vật khác), Tiêu Phong là người chung thủy yêu đúng một người, chân thành với bè bạn. Tiêu Phong gần như không có một khuyết điểm nào về đức hạnh không như Trương Vô Kỵ yêu đương mập mờ không quyết đoán. Nhưng Tiêu Phong thiếu một thứ mà Trương Vô Kỵ lại dư thừa, đó là sự linh động. Tiêu Phong mất bố mẹ từ khi còn quá bé, được nhặt về nuôi và luôn tin tưởng mình là người Hán, các dân tộc khác là man di mọi rợ. Tiêu Phong mang tư tưởng tốt xấu rạch ròi, trong Tiêu Phong không có vùng xám, chỉ có trắng và đen, bi kịch của Tiêu Phong bắt đầu khi phát hiện ra nguồn gốc Khiết Đan của mình. Trương Vô Kỵ, ngược lại, xuất thân đã là sự pha trộn của chính tà, bố là đệ tử danh môn chính phái, mẹ là con gái yêu của Giáo chủ Thiên Ưng Giáo, nghĩa phụ là Tứ đại Hộ giáo Pháp vương của Minh Giáo, sư phụ lại là Thái Sơn Bắc Đẩu phái Võ Đang. Trải nghiệm của Vô Kỵ từ khi nhỏ đến lúc lớn lên cũng là sự pha trộn của chính tà, hắc bạch không phân minh. Người cho Vô Kỵ ở lại và ra sức giúp chữa bệnh là thần y Hồ Thanh Ngưu của Minh Giáo. Bản thân bị gia đình Chu Trường Linh và Võ Liệt, hậu duệ của danh gia, lừa cho lên bờ xuống ruộng. Chứng kiến chưởng môn phái Nga Mi lại nhẫn tâm sát hại đại đệ tử. Đỉnh điểm nhất là bố mẹ bị bức tử bởi tất cả các môn phái được xem là chính nghĩa, với danh nghĩa tìm Tạ Tốn trả thù, thật ra không gì hơn ngoài việc muốn chiếm đoạt Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao.

Tại sao Trương Vô Kỵ không trả thù cho bố mẹ?
Trong khi Tiêu Phong vật vã đi tìm lại nguồn gốc, đau đáu trả thù cho bố mẹ mặc dù về thực tế không nhớ được gì về bố mẹ mình; Trương Vô Kỵ khi làm chủ Cửu Dương thần công và Càn khôn đại na di, gần như không gì ngăn trở được việc báo thù, lại chọn không làm điều đó mặc dù bố mẹ bị bức tử ngay trước mặt, đã được mẹ dặn dò “phải tìm từng người để trả thù”. Lý do có thể nằm trong những khoảng thời gian ở cùng Trương Tam Phong. Vô Kỵ có lẽ là người hiểu rõ “Lấy oán báo oán thì oán thù sẽ chồng chất”, Vô Kỵ không sống để trả thù. Vô Kỵ không có nhiều ưu điểm như Tiêu Phong nhưng chính sự không quyết đoán, không cố chấp, thuận theo tự nhiên, làm ơn không cầu báo đáp lại là những điểm sáng trong tâm hồn Vô Kỵ. Tư tưởng sống thuận theo tự nhiên còn thể hiện rất rõ khi luyện Càn khôn đại na di đến tầng thứ 7, nếu cứ cố chấp chẳng phải Vô Kỵ đã tẩu hỏa nhập ma.
Buông bỏ
Tiêu Phong có cơ hội buông bỏ nhưng đã không lựa chọn khi A Châu đề nghị chàng về vùng thảo nguyên sinh sống, chỉ một năm thôi rồi quay lại báo thù cũng chưa muộn. Vô Kỵ khi có gần như tất cả, nếu tiếp tục cùng Minh Giáo đánh đuổi quân Nguyên, còn ai sẽ thay Vô Kỵ lên làm hoàng đế, nhưng Vô Kỵ đã bỏ hết, chỉ để hàng ngày được vẽ chân mày cho Triệu Mẫn.
Cuộc đời Trương Vô Kỵ có lẽ ứng với câu nói của Trịnh Công Sơn
"Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn. Khi một người biết tự tha thứ cho mình thì đồng thời cũng phải biết tha thứ cho kẻ khác.”
Hình: Trương Vô Kỵ trong tuổi thơ tôi

Comments