Sử dụng Salary packaging ở Úc như thế nào?
- Khanh Thu
- Nov 8, 2020
- 3 min read
Updated: Jan 18, 2022
Salary packaging là gì?
Nói nôm na Salary Packaging là một hình thức “tránh bớt thuế” khi bạn “hi sinh” một phần lương trước thuế của mình vào các khoản khác. Các khoản này sẽ phụ thuộc vào người chủ lao động (employer) nhưng thường gặp là đưa vào Superanuation (gọi tắt là Super), mua xe hay mua các thiết bị điện tử (điện thoại, laptop), v.v. Ngoại trừ một số ngoại lệ cho Super, bạn cần thỏa thuận trước với employer để sắp xếp các khoản chi này. Riêng về Super, bạn có thể tự trả trực tiếp vào Super fund và hoàn thuế sau đó.

Sử dụng Salary packaging như thế nào?
Khi ‘’hi sinh’’ một phần lương vào Super, bạn chỉ phải trả mức thuế là 15% (so với mức thuế tối thiểu ở Úc là 18% từ đồng thứ $18,201 và mức thuế một người lao động có thu nhập trung bình tại Úc là 32.5%). Số tiền tối đa đưa vào Super là $25,000 một năm. Lưu ý là tiền trong Super chỉ được rút khi về hưu.
Tuy nhiên, theo luật mới ra năm 2018, người mua nhà lần đầu (first home buyer) có thể rút từ Super và tiền lời từ Super một khoản tối đa là $30,000 để đặt cọc. Như vậy, bạn có thể đưa 1 phần lương (là bao nhiêu thì tùy vào hợp đồng với employer) vào Super để chịu thuế thấp, rồi rút ra để mua nhà.
Khi “hi sinh’’ lương vào các khoản khác ngoại trừ Super, như mua xe hay mua đồ điện tử, mức thuế mà employer sẽ phải trả cho các khoản này là 47% (mức thuế cao nhất) và employer sẽ lấy lại khoản này từ lương của người làm thuê (employee) nên bạn cần cân nhắc và tìm hiểu thêm. Nhiều người sử dụng Salary Packaging để mua xe mới vì bạn sẽ được giá rẻ hơn và miễn 10% GST cho nhiều khoản liên quan (thuế đường, bảo hiểm xe, v.v).
Đa phần các công ty, tổ chức sẽ sử dụng bên thứ ba để tiến hành các thủ tục về Salary Packaging. Một số công ty về Salary Packaging có thể kể đến như Toyota Fleetmanagement, Easy Fleet, v.v.
➡️ Một lưu ý khi sử dụng Salary Packaging là bạn có thể mua những thứ mình không thực sự cần, vậy nên trước khi quyết định ‘’hi sinh’’ một phần lương, hãy suy nghĩ thật kỹ nhé.

Ưu thế khi làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận (NFP) hay bệnh viện công
NFP bao gồm luôn Public benevolent institutions (PBIs) và health promotion charities (HPCs)
Khi bạn làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận hay bệnh viện công, Salary Packaging còn có nhiều ý nghĩa hơn khi bạn có thể ‘’hy sinh’’ lương của mình vào nhiều khoản chi tiêu hơn bên cạnh các khoản đã đề cập ở trên. Các khoản chi thêm bạn có thể đưa vào Salary Packaging là School fee, Rent, Credit card hay Meals and entertainment, Low interest loans, v.v (bạn cần confirm với employer). Số tiền tối đa bạn có thể ‘’hi sinh’’ là $30,000 (NFP) và $17,000 (Public hospital).
Đồng thời, theo Fringe Benefits Tax (FBT), bạn được miễn thuế lên đến $15,900 (NFP) hay $9,010 (Public hospital) đầu tiên khi ‘’hi sinh’’ lương của mình.
Ví dụ: nếu lương của một nhân viên NFP là $50,000/năm, người đó ‘’hi sinh’’ $15,000 nhờ Salary Packaging để được miễn thuế, mức lương còn lại là $35,000. Mức thuế người này phải đóng sẽ như một người có lương là $35,000/năm.
➡️ Điều này rất có ý nghĩa đối với các bạn làm trong khối sức khỏe vì đây là lĩnh vực có nhiều tổ chức NFP hoạt động. Ở Úc, hiện có đến khoảng 600,000 NFP.
Tìm hiểu thêm về chủ đề y tế - sức khỏe qua Group Facebook: Định cư Úc khối ngành sức khỏe
Comments